Trang chủMặc địnhTại sao kỹ năng tốt nhưng gặp khó khăn trong việc lãnh đạo?

Tại sao kỹ năng tốt nhưng gặp khó khăn trong việc lãnh đạo?

Tổng quan lại, hành trình trở thành một lãnh đạo không đơn thuần là học hỏi những kỹ năng. Hành trình đó là sự chuyển biến của cả tư duy, tâm thế và bản lĩnh. Điều này cũng giải thích cho việc một số người dù chưa từng làm lãnh đạo nhưng lại được đánh giá là có khả năng lãnh đạo bẩm sinh. Bởi tư duy, tâm thế và bản lĩnh đôi khi vô tình được rèn luyện qua cuộc sống hàng ngày. Và ngược lại, điều này cũng giải thích cho việc nhiều người có bộ kỹ năng phục vụ cho việc lãnh đạo rất tốt song lại gặp khó khăn hay chưa trở thành người lãnh đạo tốt.
NVAn
26 tháng 5

Trong quá trình làm việc thực tế, mình gặp rất nhiều người kỹ năng làm việc rất tốt. Khi ở vị trí một nhân sự bình thường, người đó luôn hoàn thành tốt công việc. Nhưng khi được thăng tiến trở thành lãnh đạo thì lại vô cùng khó khăn. Có nhiều người thậm chí còn rất chăm chỉ nỗ lực học hỏi những kỹ năng lãnh đạo: Giao việc, uỷ quyền, phát triển đội nhóm...Nhưng khi vào công việc lãnh đạo thực tế vẫn luôn bế tắc, áp lực. Cũng từ đó mà nhiều người ám ảnh việc làm lãnh đạo rồi nghĩ bản thân không phù hợp trở thành người lãnh đạo. Cứ như vậy, một có hội vô cùng tốt để mình nâng cấp bản thân, đột phá trong công việc vụt qua. 

Với kinh nghiệm cá nhân, mình thấy mấu chốt của vấn đề nằm ở quan điểm của mọi người về lãnh đạo. Lãnh đạo không đơn thuần chỉ là một bộ kỹ năng. Để trở thành một lãnh đạo, mọi người cần có sự chuyển biến đồng bộ về 4 yếu tố nền tảng. Và điều khiến việc học tập để trở thành lãnh đạo trở nên khó khăn đó là ba trong số 4 yếu tố nền tảng là những yếu tố trừu tượng. Phần lớn lại là phần chìm của tảng băng nổi khiến việc học lãnh đạo ở thực tế đa số chưa thực sự được hệ thống một cách tổng quan và đầy đủ. 

Trong bài viết này, mình muốn đưa ra quan điểm cá nhân về 4 yếu tố nền tảng của việc học lãnh đạo. 

Đầu tiên là tư duy lãnh đạo


Tư duy lãnh đạo được hiểu qua một loạt các câu hỏi như: Tại sao lại cần lãnh đạo? Bản chất của "Lãnh đạo" là gì? Người lãnh đạo sẽ làm gì? Tại sao lại làm những việc đó? Có những cấp bậc hay phân loại lãnh đạo nào?... Lãnh đạo không đơn thuần là quản lý, điều phối, ảnh hướng đến nhân sự. Việc hình thành và phát triển tư duy lãnh đạo một cách đúng đắn, phù hợp sẽ giúp chúng ta có nhiều động lực khi hiểu được ý nghĩa của việc trở thành một lãnh đạo. Chúng ta cũng sẽ hình dung được những những mảnh ghép cần học hỏi và rèn luyện trong hành trình trở thành lãnh đạo. Và cuối cùng, chúng ta sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn về hành trình lãnh đạo của chính mình và những người xung quanh. Chúng ta sẽ không bị so sánh cũng không cuốn vào việc phán xét bản thân mình hay bất cứ ai.

Thứ hai là tâm thế lãnh đạo

Việc chưa xác định được tâm thế lãnh đạo được biểu hiện thực tế như:

  • Trở thành lãnh đạo chỉ là thêm chức danh, nhiệm vụ và trách nhiệm, chúng ta chỉ thấy áp lực và mệt mỏi hơn.
  • Làm lãnh đạo nhưng nhìn nhận, xử lý vấn đề mang nhiều màu sắc cá nhân, góc nhìn từ một phía, dễ xa vào tranh luận, phân bua với chính cả nhân sự mình quản lý. 
  • Lãnh đạo nhưng quá lạm dụng quyền lực, vị trí, quá tập trung vào lợi ích cá nhân và thiếu đi sự quan tâm, đầu tư phát triển nhân sự. 

...

Việc ý thức tâm thế của mình đang ở vị trí lãnh đạo tưởng đơn giản nhưng thực tế lại rất khó, nhất là với nhóm lãnh đạo được phát triển lên từ vị trí nhân sự bình thường hay ngược lại, các lãnh đạo thiếu hành trình trải nghiệm từ từ và được cất nhắc quá nhanh chóng lên một vị trí cao. Khi trở thành một lãnh đạo, mọi người phải nhìn nhận công việc, vấn đề...trên góc nhìn của một lãnh đạo. Lãnh đạo không đơn thuần là một vị trí, chức danh, nó là sự thay đổi về mặt tâm thế khi nhìn nhận công việc, khi xử lý vấn đề và khi xác định giá trị mà mình tạo ra.

Thứ ba là kỹ năng lãnh đạo

Đây là yếu tố rõ ràng nhất trong các yếu tố để học tập và rèn luyện khả năng lãnh đạo. Đa số mọi người quan niệm để trở thành một lãnh đạo tốt chỉ cần trang bị đầy đủ các bộ kỹ năng phục vụ cho công việc như: Lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm...Nhưng dưới góc nhìn của mình, bộ kỹ năng lãnh đạo chỉ là một mảnh ghép trong hành trình học tập và phát triển khả năng lãnh đạo. Và nếu phải sắp xếp bốn yếu tố nền tảng theo thứ tự độ khó thì mình sẽ xếp việc học kỹ năng lãnh đạo ở mức dễ học nhất.

Cuối cùng là bản lĩnh lãnh đạo

Việc đối diện với những vấn đề khó khăn nhất, chịu trách nhiệm cao nhất là điều không thể tránh khỏi khi mọi người xác định trở thành lãnh đạo. Rồi dù có tài năng đến mấy người lãnh đạo cũng không tránh khỏi những khó khăn, những thất bại trên hành trình dẫn dắt đội nhóm. Có nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài mà chúng ta không thể kiểm soát được. Việc đạt được một thành công nào đó chưa chắc đã đến từ tài năng lãnh đạo của người lãnh đạo. Và ngược lại, việc thất bại chưa chắc đã phản ánh người lãnh đạo đang không tốt. Sau cùng, người biết giữ được đôi chân chạm đất khi thành công, thuận lợi. Và ngược lại, người biết kiên trì, nỗ lực bước qua những khó khăn, thất bại. Đó mới chính là người lãnh đạo thực thu, đó chính là yếu tố bản lĩnh của người lãnh đạo. 

Tổng quan lại, hành trình trở thành một lãnh đạo không đơn thuần là học hỏi những kỹ năng. Hành trình đó là sự chuyển biến của cả tư duy, tâm thế và bản lĩnh. Điều này cũng giải thích cho việc một số người dù chưa từng làm lãnh đạo nhưng lại được đánh giá là có khả năng lãnh đạo bẩm sinh. Bởi tư duy, tâm thế và bản lĩnh đôi khi vô tình được rèn luyện qua cuộc sống hàng ngày. Và ngược lại, điều này cũng giải thích cho việc nhiều người có bộ kỹ năng phục vụ cho việc lãnh đạo rất tốt song lại gặp khó khăn hay chưa trở thành người lãnh đạo tốt. 

NVAn

Bình luận