Trang chủMặc địnhSai thì ta sai tiếp

Sai thì ta sai tiếp

Chiều trên đường ra sân bay, mình có nói với Nam rằng một điểm yếu của nhân sự ngày nay là lúc nghỉ việc, lúc kết thúc. Và mọi chuyện thường nghiêm trọng hơn vì cái tư duy sai thì ta sai tiếp. Cả một hành trình làm việc, kết nối, quý mến nhau đánh đổi vậy có phải là quá đắt. Một vấn đề, một cái sai nhỏ nhặt thường gặp mà biến thành một vấn đề, một cái sai lớn hơn liệu có đáng?
NVAn
26 tháng 3
Các Cụ có câu "Sai thì ta làm lại". Càng ngày mình thấy câu này càng đúng. Phần vì càng ngày mình càng ngưỡng mộ các Cụ. Phần vì những điều trong cuộc sống hàng ngày mình quan sát được khiến mình hiểu thêm những giá trị thật sự của câu nói.

Thoạt nghe thì ta thấy câu nói thật đơn giản. Chúng ta làm điều gì đó sai thì tổng kết lại rút ra bài học để nếu có làm lại, có gặp lại điều đó sau này sẽ tránh được những sai lầm đã qua. Song thực tế cuộc sống mình thấy thì chẳng mấy ai làm được như câu nói. Và nếu ai đó làm được điều đơn giản ấy thì mình đều thấy sự thành công, sự trưởng thành và phát triển rõ ràng nơi người đó.

Đáng buồn hơn, mình lại thấy mọi người có một xu hướng "Sai thì ta sai tiếp". Và điều đó đưa đến hai hậu quả khôn lường.

Một là, mình chẳng tổng kết được nhiều từ cái sai của mình. Việc né tránh hay chọn một việc sai khác để giải quyết cái sai cũ khiến chúng ta mãi mãi không đối diện được với cái sai thật sự của mình. Vậy là một cơ hội, một bài học giá trị bị bỏ phí lại dù chúng ta đã đánh đổi để có thể nhận ra nó.
Hai là, trong đa số các trường hợp. Sai thì ta sai tiếp dẫn đến những kết quả nghiêm trọng hơn. Chúng ta phải trả một cái giá đắt hơn rất nhiều.

Có hai ví dụ mà mình thấy khá phổ biến hàng ngày:

Đầu tiên là chuyện tham gia giao thông. Mới hồi chiều trên đường lái xe đưa Hoàng Nam ra sân bay về nhà. Khi đến ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển, một chiếc ô tô lỡ đi sai, đi nhầm đường đi thẳng về hướng Linh Đàm bỗng quay ngoắt đầu ở giữa sang Hà Đông. Rồi chiếc xe chịu ánh mắt khó chịu, những câu chửi của nhiều người và va chạm với một chiếc xe khác. Vậy là tưởng nhanh mà lại chậm. Tưởng thư thái mà lại bị mọi người phàn nàn. Tưởng tiết kiệm mà lại lãng phí.

Tình huống phản ánh rất rõ. Chiếc ô tô đã đi sai, đi nhầm. Song lẽ ra nên chọn việc đi thẳng tiếp và quay đầu lại, làm lại lần này và ghi nhớ cho những lần sau. Thì ngược lại, chiếc ô tô đã chọn cách sai tiếp để né tránh và xử lý cái sai cũ. Và kết qủa là cái giá phải trả thật sự đắt hơn rất nhiều. Cái sai trồng thêm cái sai thành một cái sai rất lớn.

Nói đến đây, có ai đó sẽ nghĩ nếu chiếc xe đó chót lọt rẽ và không va quệt thì sao? Ngoài những ánh mắt, những câu nói khó nghe tại lúc đó có thể anh chủ xe nghe được hoặc không. Thì sự thành công đó báo hiệu một rủi do trong tương lai. Sẽ có những lần xử lý như vậy nữa, và mỗi lần đều chứa đựng nhiều nguy hiểm. Lần một, lần hai...mình qua được, song đáng lo ngại hơn là cái lần không may mắn nào đó ở phía trước có thể còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Đó là lý do đã có nhiều vụ tai nạn vì cố vượt đèn đỏ, cố quay đầu, lùi xe khi lỡ đi quá quãng rẽ cao tốc...
Thứ hai, là chuyện nhân sự nghỉ làm. Mình từng gửi một bạn nhân viên đi học một mảng mới. Lúc học cũng được hỗ trợ lương rồi về lại công ty làm cũng được đầu tư lương để làm từ đầu. Trong bối cảnh công ty rất khó khăn về tài chính và cậu bạn hướng dẫn, đào tạo bạn nhân viên đó phải rất nể mình mới nhận để giúp mình và công ty. Mình cũng nói chuyện rất nhiều lần về việc kế hoạch làm việc, nghỉ việc cần được thông báo sớm nhất để công ty còn nắm được và có những giải pháp. Những cam kết, những hứa hẹn hay như bản tình ca mùa đông.

Rồi một ngày đẹp trời bạn thông báo với mình bạn đã trúng học bổng và sắp đi du học. Mình bừng tỉnh và chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra. Không một phương án được chuẩn bị. Thật sự mình đã nghĩ đến việc đóng mảng đó lại và coi như những đầu tư, những nỗ lực, uy tín của mình bỏ đi hết. Cả một tổ chức đang khó khăn lao đao, cả một dự án mới mẻ với những hy vọng với nhiều công sức và tâm huyết. Mọi thứ tưởng chừng như đóng lại.

Thật ra bản chất của việc đi du học không có gì là sai. Mọi thứ xoay vần và đều có thể thay đổi. Quan trọng là ta ứng xử với những cái thay đổi đó như thế nào. Cái sai ở đây là khi mình khởi nguồn cho dự định đó dù chắc chắn hay không thì phải thông báo lại cho công ty. Vì từ lúc đó, khả năng nghỉ việc giữa chừng và đi du học là có thể xảy ra dù đó là 1%. Rồi khi có kết quả, có quyết định sẽ đi du học 100% bạn ấy cũng không chọn cách nói chuyện sớm nhất với mình mà né tránh nó. Rồi mình chỉ thật sự biết được khi đã nghe phong phanh từ một vài bạn khác. Các bạn đâu biết báo sớm hơn 1 ngày là có thêm 1 ngày để suy nghĩ, để tìm kiếm giải pháp, để phản ứng với những thay đổi. Vậy là sai thì ta sai tiếp.

Chiều trên đường ra sân bay, mình có nói với Nam rằng một điểm yếu của nhân sự ngày nay là lúc nghỉ việc, lúc kết thúc. Và mọi chuyện thường nghiêm trọng hơn vì cái tư duy sai thì ta sai tiếp. Cả một hành trình làm việc, kết nối, quý mến nhau đánh đổi vậy có phải là quá đắt. Một vấn đề, một cái sai nhỏ nhặt thường gặp mà biến thành một vấn đề, một cái sai lớn hơn liệu có đáng?

Vậy nên sai thì ta cứ đối diện cứ tổng kết mà làm lại.

Bình luận