Trang chủMặc địnhHướng nghiệp hạnh phúc

Hướng nghiệp hạnh phúc

Có đam mê cũng được, mà không có đam mê cũng chẳng sao. Tìm kiếm đam mê cũng được mà không tìm kiếm đam mê cũng chẳng sao. Cái cuối cùng của hướng nghiệp không phải đi tìm kiếm một khái niệm nào đó, của ai đó. Mình tìm thứ mình cần, và thứ đó tên là đam mê, hay ban mê, hay mê man…cũng được. Mình tìm thứ mình cần và thứ đó giống người bên cạnh, hay khác người bên cạnh, thậm chí khác tất cả mọi người bên cạnh, khác với cả xã hội đang định nghĩa cũng chẳng sao.
NVAn
24 tháng 3
Kỷ niệm trên Facebook báo các sự kiện “Hướng nghiệp hạnh phúc” năm trước. Nhìn lại, năm nay mình không triển khai được sự kiện nào vì bận những công việc khác. Mấy lời mời từ các trường mình cũng khéo léo từ chối. Rồi đã bận thì viết cũng không được, vừa ít thời gian và vừa ít không gian, ít cảm hứng để ngồi lại suy ngâm và viết lách.

Hôm nay, mình lại có hứng viết vì dư âm buổi “Cafe talk tư vấn” với Dũng vẫn còn. Cũng như bao nhiêu người trẻ khác ở bao nhiêu thế hệ, các trăn trở của Dũng trong câu chuyện nghề nghiệp không có gì mới mẻ. Vậy mà bao nhiêu thế hệ đã qua, rồi bao nhiêu chuyên gia hướng nghiệp vẫn miệt mài chia sẻ hàng ngày, những vấn đề ấy vẫn tồn tại một cách khó hiểu.

Chúng ta đang đi hay bị cuốn đi?

Sẽ cùng là di chuyển, song việc chúng ta đang đi lại khác biệt hoàn toàn với việc chúng ta bị cuốn đi. Một trạng thái thể hiện sự chủ động còn một trạng thái thể hiện sự bị động. Tương tự trong chuyện hướng nghiệp, một câu hỏi được đặt ra là chúng ta đang đi hướng nghiệp cho mình hay chúng ta bị cuốn vào câu chuyện, vào trào lưu hướng nghiệp mà xã hội đang tạo ra. Nhìn rộng ra câu hỏi này cũng đúng với một số vấn đề hiện tại đang vô cùng nóng hổi. Như chuyện chúng ta đi mua sản phẩm hay chúng ta bị cuốn vào chuyện mua sản phẩm từ các KOL, KOC. Chúng ta thần tượng một người hay chúng ta bị cuốn vào trào lưu thần tượng người đó…

Chậm lại và đi hỏi thử vài bạn đang thần tượng một ai đó xem họ thần tượng người đó vì điều gì là thấy nhiều điều thú vị. Đành rằng những ca sĩ nổi tiếng là hát hay, nhảy đẹp, một số chuyên gia thì kiến thức sâu rộng, song thời nay cũng có nhiều người nổi tiếng mà nghĩ mãi chưa ra điểm gì nổi bật để mà thần tượng, mà yêu mến, mà học hỏi. Không chỉ người ngoài nhìn vào, mà chính những người fan chân chính cũng loay hoạt trước câu hỏi cơ bản ấy, hoặc là trả lời hết sức chung chung hoặc không thể trả lời nổi.
Chậm lại và đi hỏi thử vài bạn mua mấy sản phẩm là hiểu nhiều hơn. Có những người tìm hiểu kỹ cái mình mua và hiểu nhu cầu của việc mua, nhưng cũng có nhiều người mua một món đồ mà chẳng hiểu rõ bản chất của món đồ đó. Nó được khuyên dùng cho trẻ từ mấy tuổi, nó có công dụng gì hay hàm lượng dinh dưỡng ra sao? Mua một sản phẩm vì thấy mọi người mua vì thần tượng của mình giới thiệu, quảng cáo. Mà sản phẩm một đằng còn thần tượng thì một nẻo đôi khi chẳng liên quan đến nhau, chẳng có chuyên môn hay kiến thức dù là nền tảng.

Và cũng chậm lại chút đi hỏi mấy bạn đang cần được hướng nghiệp xem vấn đề của các bạn thật sự là gì? Hay thấy xã hội, thấy bạn bè đi tìm kiếm đam mê cũng sốt sắng đi tìm. Rồi tìm Hoài, tìm miết mà không thấy lại lo lắng, khủng hoảng. Rồi đến một ngày bạn nhận ra rằng, bạn còn chưa từng đặt câu hỏi thế đam mê là gì? Tìm đam mê là tìm cái gì? Tìm làm sao được khi chính mình còn chẳng biết cái cần tìm là cái gì? Và cứ như thế chúng ta cứ chạy theo hết sinh trắc vân tay, theo thần số học rồi đủ mọi thứ. Sau cùng, mình đâu có đang làm chủ hành trình của mình. Mình chỉ đang là một nạn nhân bị cuốn vào một trào lưu, một xu thế. Mọi thứ ngày càng nhanh, càng phức tạp khiến mình không có khoảng trống để nhận ra mình.

Hãy tìm cái mình cần chứ đừng tìm cái ai đó hay thậm chí cả xã hội này định hướng

Có đam mê cũng được, mà không có đam mê cũng chẳng sao. Tìm kiếm đam mê cũng được mà không tìm kiếm đam mê cũng chẳng sao. Cái cuối cùng của hướng nghiệp không phải đi tìm kiếm một khái niệm nào đó, của ai đó. Mình tìm thứ mình cần, và thứ đó tên là đam mê, hay ban mê, hay mê man…cũng được. Mình tìm thứ mình cần và thứ đó giống người bên cạnh, hay khác người bên cạnh, thậm chí khác tất cả mọi người bên cạnh, khác với cả xã hội đang định nghĩa cũng chẳng sao.

Cũng chính bởi vậy mà mình luôn giữ quan điểm hướng nghiệp là câu chuyện của chính mình, không phải của bố, mẹ, thầy, cô hay chuyên gia nào cả. Sau cùng chỉ có mình mới biết mình cần gì, thích gì và nên làm gì? Rồi sau nữa thì cũng chỉ có mình chịu trách nhiệm với những lựa chọn với cuộc đời của chính mình chứ không phải ai khác ngoài kia. Mà đã là việc của mình thì ngừng đổ lỗi, ngừng né tránh, hãy đối diện và giải quyết nó dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Việc khó đừng dễ dàng từ bỏ nhưng việc vô lý quá thì cần mạnh mẽ dừng lại

Tại sao cứ đau đáu đi tìm kiếm đam mê trong khi chính mình còn chưa rõ đam mê làm gì? Chúng ta sẽ không hoặc khó có thể tìm thấy một thứ mà chính chúng ta còn mơ hồ về nó, không rõ ràng về nó.
Làm sao các bạn lớp 11,12 có thể trả lời được mình thích ngành gì, mình phù hợp với công việc gì khi hành trình của các bạn suốt những năm tháng đã qua chỉ là đi học, đi thi và quẩn quanh việc nhà. Người lớn có đặt câu hỏi thì cũng nên nghĩ xem các em có dữ liệu để trả lời hay không? Đến cái máy muốn lập trình để đưa ra được kết quả đầu ra “out put” thì chúng ta cùng cần nạp đủ đầu vào “in put” nữa là con người. Muốn các em trả lời được câu hỏi chọn ngành, chọn nghề trước ngưỡng cửa đại học thì cũng cần cho các em thông tin, trải nghiệm. Và cũng như lập trình, “in put” đầu vào càng nhiều, càng chuẩn thì “out put” càng chuẩn, càng đáng tin cậy. Các bạn cũng thế, càng được nhiều thông tin, định hướng, trải nghiệm đúng thì câu trả lời sẽ càng chính xác.

Liệu có một ngành nghề mà chúng ta sẽ làm nó suốt cuộc đời? Cũng có thể có và cũng có thể không. Đặc biệt trong bối cảnh nghề nghiệp thay đổi từng ngày như hôm nay. Có nhiều nghề sẽ mất đi mãi mãi cùng sự phát triển của khoa học, công nghệ. Cũng sẽ có nhiều nghề mới sinh ra. Cái ngành nghề mà chúng ta đang làm, đang gắn bó, đang yêu thích có thể mất đi vào một mai. Và cũng có thể một ngành nghề mới sinh ra có sự hấp dẫn, phù hợp với chúng ta, khiến chúng ta yêu thích hơn cái ngành nghề hiện tại. Ở một góc độc khác, sự hiểu biết của chúng ta cũng càng ngày càng lớn cùng thời gian, không gian mà chúng ta tiếp cận. Nghề nghiệp cũng lớn theo và đa dạng theo. Cái nghề mình thích năm 25 tuổi có thể được thay thế bằng một nghề khác mình mới biết khi 35, khi đi du học ở đâu đó.

Liệu chọn ngành, chọn nghề có thể quyết định mức lương 30tr, 50tr hay sự thành công sau này? Tất cả những câu hỏi ấy, nếu chúng ta chậm lại, phân tích sẽ thấy nó thực sự có lý hay phi lý. Nếu có lý thì chúng ta theo đuổi dù khó khăn thế nào cũng nên nỗ lực. Song nếu vô lý, vô nghĩa thì không nên lãng phí dù chỉ một chút thời gian hay công sức.

Mình sẽ vẫn cố gắng đưa hoạt động hướng nghiệp, đưa dự án “Hướng nghiệp hạnh phúc” vào một số hoạt động trong thời gian bận rộn sắp tới như “Lớp học cộng đồng” của quỹ Mầm hay hoạt động tư vấn có phí, khoá đào tạo hoặc cho nhân sự làm việc cùng. Sau cùng, vẫn nên có những người đi ngược chiều gió và đưa ra những góc nhìn khác mới mẻ hơn, thực tế hơn trước những trào lưu mạnh mẽ của xã hội hiện tại.

NVAn
Bình luận