Sáng, cả nhà lướt qua quán bún riêu cua quen thuộc rồi ghé quán phở gà mới. Cũng cả tuần rồi cả nhà chưa ăn bún riêu cua, rồi ai cũng thèm và sợ mai mốt ông chủ lại nổi hứng đóng cửa 1,2 tháng đi chơi thì cả nhà lại mỏi mòn chờ đợi. Song bỏ qua tất cả, cả nhà quyết ghé quán phở gà mới ngay cạnh. Nhìn lại, dù không còn ăn ngoài nhiều như trước song mấy hàng quán xung quanh nhà, hai vợ chồng đều đã ghé thử. Đó cũng là thói quen mình hình thành khi trải qua năm đầu tiên đi làm kinh doanh. Mình luôn cảm thấy biết ơn thật nhiều vì bao nhiêu người không hề quen biết ngoài kia đã cho những sản phẩm mới toanh từ công ty mình có cơ hội để tồn tại và phát triển.
Ai cũng xứng đáng có được cơ hội đầu tiên.
Mình nghĩ vậy và bắt đầu hình thành thói quen ăn thử, mua thử đồ ở nhiều hàng quán, cửa hàng...mới mở. Từ khu văn phòng đến những khu mình ở, hễ có hàng quán, cửa hàng mới mình đều là một trong những khách hàng đầu tiên. Nhớ dạo khu văn phòng mới khai trương quán ăn mới, công ty mình là nhóm khách đoàn đầu tiên của quán. Anh chủ và mọi người phục vụ nhiệt tình nhưng cũng liên tục xin lỗi vì nhiều sơ xuất khi lần đầu đón đoàn khách đông.
Rồi mình chọn chiếc Vinfast Lux A làm chiếc xe đầu tiên. Ngày ấy xe Vinfast còn mới mẻ cùng bao nhiêu luồng ý kiến xung quanh. Chúng ta có thể dễ dàng thử một bát phở hay thậm chí một chiếc xe máy với giá trị lớn hơn. Song việc thử một chiếc ô tô và đó còn là chiếc ô tô đầu tiên với giá trị rất lớn không phải là chuyện dễ dàng. Sự thật thì mình cũng đã phải tham khảo và tìm hiểu khá kỹ, nhưng có một sự thật khác cũng không thể phủ nhận đó là tinh thần tự hào dân tộc và mong muốn ủng hộ sản phẩm Việt, người Việt trong mình cũng tác động không ít đến quyết định ngày đó. Mình đặc biệt yêu thích và được truyền cảm hứng nhiều từ câu chuyện của Vinfast cũng như người lãnh đạo như bác Phạm Nhật Vượng. Ở góc nhìn của mình, việc Vinfast ra đời không đơn thuần là câu chuyện của kinh doanh, của tiền bạc hay danh vọng. Nó phải đi cùng một sứ mệnh lớn hơn rất nhiều. Và mình thấy được thôi thúc làm điều gì đó có thể để chung tay vào sứ mệnh đó. Vậy là mình chọn Vinfast dù hiểu rằng có nhiều rủi do khi chọn một hãng xe mới. Rồi sau này, mình cũng không thấy buồn khi chiếc xe giảm giá nhiều và dừng sản xuất thay thế bằng xe điện. Nếu có điều gì đó khiến mình buồn và thất vọng, đó sẽ là chất lượng chiếc xe sẽ không tốt trong quá trình sử dụng. Thật may suốt thời gian trải nghiệm, mình khá hài lòng về chiếc xe. Một năm gần đây khi nhu cầu sử dụng thay đổi qua một chiếc xe bẩy chỗ, mình vẫn cân nhắc chuyển qua một chiếc Lux SA hoặc VF9 nếu có điều kiện.
Ai cũng xứng đáng có cơ hội đầu tiên song không phải ai cũng xứng đáng để có cơ hội thứ hai, thứ ba và nhiều hơn nữa.
Mình chọn ăn thử rất nhiều quán nhưng không phải quán nào mình cũng quay lại lần thứ hai, thứ ba và nhiều lần nữa. Ngược lại với việc cởi mở để thử những cái mới, mình lại rất kén chọn những gì đã cũ. Sau cùng, mình cũng như bao khách hàng khác. Mọi người chỉ chọn quay lại và gắn bó nếu bạn thật sự xứng đáng. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ vẫn là những giá trị cốt lõi nhất để một sản phẩm, một thương hiệu có thể tồn tại và phát triển.
Ở góc độ người chủ, nếu sản phẩm, dịch vụ của mình không được nhiều người lựa chọn và thất bại. Lúc đó, chúng ta phải nhìn nhận thật sự nghiêm túc. Nếu mọi người chưa lựa chọn vì còn xa lạ với thương hiệu thì đó có thể là câu chuyện của bán hàng. Song nếu mọi người đã lựa chọn, đã dùng thử và không quay lại nữa thì đó là câu chuyện của chính sản phẩm, dịch vụ của mình. Vậy nên trong kinh doanh, chỉ số khách hàng tái sử dụng lại sản phẩm dịch vụ là vô cùng quan trọng.
Thực tế, trong bối cảnh kênh bán hàng ngày càng phát triển mạnh mẽ như hôm nay. Nhiều người sẽ tự tin sản phẩm, dịch vụ mình không quá tốt nhưng vẫn bán được rất nhiều hàng. Mình không phủ nhận điều đó. Song dưới góc nhìn của mình, việc bán hàng quá phụ thuộc vào kênh bán hàng và khách hàng luôn mới. Người chủ sẽ phải đối diện với rủi do về việc kênh bán hàng thay đổi và tệp khách hàng dù có rộng thì vẫn là hữu hạn. Vậy nên với mô hình kinh doanh này, người chủ phải thật sự linh động và thức thời.
Không ngại ăn thử ở quán mới nhưng cũng không dễ dàng để đón nhận một sản phẩm, dịch vụ mới.
Quay trở lại với chủ đề ăn thử những quán mới. Mình nghĩ người tiêu dùng nên có tư duy cởi mở hơn cho việc thử những sản phẩm, dịch vụ mới. Việc này không chỉ thúc đẩy những sản phẩm, dịch vụ tốt có cơ hội đến gần hơn với khách hàng. Nó còn thúc đẩy sự cạnh tranh và phát triển sản phẩm dịch vụ. Sau cùng, sự phát triển ấy lại quay lại làm lợi cho chính khách hàng. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nến sự khác bệt giữa thị trường ở Sài Gòn và Hà Nội. Người Sài Gòn sẵn sàng đón nhận, thử nghiệm cái mới hơn người Hà Nội. Vậy nên thị trường Sài Gòn luôn sôi động và phát triển hơn so với Hà Nội. Cũng chính bởi vậy nên dù đã sống và làm việc ở cả hai, mình thấy khái niệm Nam tiến là khá phổ biến song việc Bắc tiến lại rất hiếm gặp.
Cởi mở trong việc thử cái mới song cũng đừng quên khắt khe trong việc đánh giá và lựa chọn sản phẩm dịch vụ. Đó là cách để thị trường sôi động hơn nhưng cũng là cách thanh lọc và làm cho sản phẩm dịch vụ ngày càng chất lượng hơn. Hapi thì vẫn luôn mong muốn chiếm thị phần, muốn khách trung thành. Song việc đầu tiên khi có sản phẩm mới tương tự Hapi làm là trở thành một khách hàng của sản phẩm ấy. Đó vừa là cơ hội cho sản phẩm mới và cũng vừa để đánh giá nhìn nhận lại và nâng cấp sản phẩm của chính mình. Thất bại là điều không ai muốn, song nếu mình thất bại và thấy rõ sản phẩm, dịch vụ của mình kém hơn thì sự thất bại đó cũng thật xứng đáng và cần thiết.
NVAn